Cá rô phi không còn xa lạ gì với bữa cơm gia đình chúng ta. Đặc điểm thịt cá mềm, ngọt, ít xương dăm giúp chúng có thể chế biến được thành nhiều món ăn như hấp, kho, chiên, …. được nhiều người ưa chuộng.
Khá dễ để nhận thấy nhu cầu tiêu thụ loại cá này là rất lớn. Đầu ra ổn định, cách nuôi không quá phức tạp nếu như không muốn nói là dễ nuôi. Tất cả yếu tố trên đã giúp việc nuôi cá rô phi là hướng đi đúng đắn trong thời điểm này.
Trong bài viết này, higlum sẽ cùng bà con tìm hiểu từ đầu tới cuối kỹ thuật nuôi cá rô phi tại ao nhà. Cách nuôi đơn giản, cá ít bệnh – nhanh lớn và sớm cho thu hoạch. Cùng tìm hiểu ngay nào!
Table of Contents
Lựa chọn giống cá rô phi thích hợp
Giống cá rô phi đơn tính là loại cá được bà con lựa chọn để nuôi thương phẩm. Đây là giống cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và ít bệnh tật.
Kinh nghiệm chọn những con cá giống bơi nhanh, không bị dị tật, có kích thước đồng đều và bơi nhanh nhẹn. Nên chọn ở những cơ sở bán con giống uy tín, để đảm bảo có một đầu vào tin tưởng.
Thực hiện cải tạo ao nuôi
Việc cải tạo ao trước khi nuôi giúp loại bỏ mầm bệnh tồn dư cùng những yếu tố bất lợi cho đàn cá. Một môi trường sống sạch sẽ, nhiều vi sinh vật phù du làm thức ăn nuôi là điều kiện lý tưởng cho việc nuôi không chỉ cá rô phi mà bất cứ nuôi loài cá nước ngọt nào cũng vậy.
Các bước thực hiện cải tạo ao nuôi
Để có một ao nuôi đạt chuẩn, bà con lần lượt thực hiện các công việc dưới đây:
- Sử dụng máy bơm để tát cạn nước trong ao. Bắt hết các loại cá dữ, cá tạp và sinh vật có thể cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với đàn cá sau này. Đồng thời cần dọn sạch cỏ, rác, bèo, … tìm kiếm và bịt các hang hốc trong ao nuôi.
- Kiểm tra độ sâu của bùn trong ao nuôi, độ sâu bùn lý tưởng là 15-20cm. Nếu bùn quá dày, bà con cần nạo vét bớt.
- Phơi đáy ao khoảng 1 tuần sau khi rải vôi bột với lượng 8-10kg mỗi 100 mét vuông.
Cách tạo màu nước và dinh dưỡng cho ao nuôi
Để ao nuôi lên màu nước đẹp, bà con nên tiến hành bón lót phân chuồng. Công thức gồm có 30kg phân chuồng (đã ủ hoai mục) + 15kg phân xanh bón cho mỗi 100 mét vuông mặt ao.
Phân này được bón sau khi đã lấy nước vào ao nuôi. Lưu ý, trong quá trình lấy nước vào ao cần có lưới chắn miệng cống để ngăn các loài động vật khác theo nước vào.
Sau khoảng gần 1 tuần, nước ao chuyển sang màu xanh nõn chuối. Đó chính là thời điểm thích hợp để thả cá giống.
Tiến hành thả cá
Thời điểm thích hợp để thả cá giống là từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm. Lựa chọn con giống có kích thước từ 6 đến 8cm, mật độ thả từ 3 – 5 con mỗi mét vuông.
Nếu cẩn thận hơn, bà con có thể ngâm cá giống vào nước muối loãng (2-3%) trong thời gian tầm 10 phút. Điều này giúp giảm bớt mầm bệnh có trong đàn cá.
Chọn thời điểm thả là chiều tối hoặc sáng sớm. Ngâm túi cá giống trong ao nuôi khoảng 15 phút để nhiệt độ trong túi và trong ao là cân bằng nhau (nguồn : higlum.com)
Xem thêm:
Cá rô phi ăn gì? Thức ăn cho cá rô phi
Thức ăn cho cá
Cá rô phi là loài ăn tạp, có thể chia thức ăn cho cá rô phi thành 2 loại: Thức ăn thô xanh và thức ăn tươi.
Thức ăn thô xanh gồm các loại như gạo, cám, bột ngô, khoai sắn, … cùng một số loại rau như bèo hoa dâu, bèo tấm, rau muống thái nhỏ, …
Thức ăn tươi cho cá rô phi có thể kể đến như ốc, giun, cá – tôm thái nhỏ, … Nhiều hộ gia đình còn tận dụng bã rượu, lòng trâu bò, hay thức ăn thừa của các nhà hàng.
Nếu như nuôi với số lượng lớn, ngoài thức ăn kể bên trên thì bà con có thể bổ sung thức ăn là cám công nghiệp cho cá.
Hướng dẫn cách cho cá rô phi ăn
Nên cho cá ăn 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều tối đối với hình thức nuôi thâm canh. Lượng thức ăn sử dụng bằng 5-7% so với tổng trọng lượng cá trong ao.
Sử dụng sàn để đặt thức ăn, mỗi ao bố trí 2 – 3 vị trí để sàn. Bà còn có thể điều chỉnh lượng thức ăn dựa vào lượng thức ăn thừa của bữa trước. Hạn chế cho cá ăn thừa, vì thức ăn thừa có thể là mầm mống gây bệnh.
Đối với hình thức nuôi xen canh cùng ruộng lúa thì nên cho cá ăn 4-5 ngày mỗi lần. Sử dụng thức ăn tự chế biến hoặc thức ăn công nghiệp đều được. Nên đặt thức ăn ở vị trí cố định để cá quen ăn.
Với hình thức nuôi như thế nào đi nữa, bà con cũng cần bổ sung rau xanh (bèo, rau thái nhỏ, …) để cá lớn nhanh, ít bệnh hơn.
Kinh nghiệm chăm sóc cá rô phi
Lưu ý đầu tiên là cần phải cho cá ăn đầy đủ về số lượng, cũng như sự đều đặn hàng ngày.
Hàng ngày thăm ao kết hợp kiểm tra bờ nuôi có bị rò rỉ hay có khả năng vỡ khi mưa lớn hay không. Cần phải khắc phục những điều này càng sớm càng tốt (nguồn: higlum.com)
Thường xuyên thay nước mới vào ao nuôi. Quan sát thấy cá nổi đầu theo đàn trong thời gian dài thì bà con cần thay nước mới trong ao càng sớm càng tốt.
Mỗi tháng cần bắt và cân cá định kỳ 2 lần. Mục đích để theo dõi sức khỏe, cũng như kiểm tra trọng lượng để điều chỉnh lượng thức ăn.
Thu hoạch cá
Thời gian khoảng 6-8 tháng là cá rô phi có thể thu hoạch. Lúc này trọng lượng khoảng 0.5kg mỗi con. Bà con có thể thu hoạch cá theo 2 cách:
- Thu hoạch làm nhiều lần: Sau khoảng thời gian nuôi được 6-7 tháng, tiến hành kéo lưới bắt hàng ngày để thu cá lớn. Cùng với đó là mỗi tháng thả thêm vài lượt cá nhỏ để lấp vào khoảng trống mà lượng cá đã thu để lại. Sau khoảng 2-3 năm thì thu cả ao nuôi 1 lần.
- Thu hoạch chỉ một lần: Thời điểm này bà con bơm nước khỏi ao để lại độ cao mực nước tầm 40-60cm. Kéo lưới bắt hết một lượt, cá lớn đem bán còn cá nhỏ đem để nuôi vụ sau.
Bà con cũng nên ghi lại số lượng, cũng như tổng khối lượng cá đem bán. Qua đó tính năng suất cũng như có thêm những đánh giá cho vụ sau.
Như vậy hilgum đã cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá rô phi tại ao nhà. Hy vọng bà con có thêm được kiến thức thú vị, và mạnh dạn đầu tư nuôi loại cá được thị trường ưa thích này nhé.