Bọ nhảy là loài côn trùng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng phá hoại mùa màng, đặc biệt là các cây họ thập tự, trong đó nổi bật có rau cải.
Bọ nhảy có tốc độ sinh trưởng nhanh và cũng là loài khó trị. Chính vì vậy cần thực hiện phòng chống bọ nhảy ngay từ đầu để hạn chế ảnh hưởng của chúng đến chất lượng và năng suất cây trồng.
Table of Contents
Bọ nhảy là gì? đặc điểm và cách nhận biết
Bọ nhảy có tên khoa học là Phyllotrera spp. Loài bọ này thuộc họ Ánh kim Chrysomelidae, bộ Cánh cứng Coleoptera.
Giai đoạn trứng
Bọ nhảy khi mới đẻ trứng trúng sẽ có màu trắng vàng, bề mặt nhẵn bóng. Trứng sẽ chuyển sang màu nâu vàng có hình bầu dục khi sắp nở. Vị trí trứng thường được đẻ là gần gốc cây. Kích thước trứng có chiều dài lớn nhất là 0,43mm và nhỏ nhất 0,26 mm.
Giai đoạn sâu non
Giai đoạn sâu non có hình ống mập. Khi mới nở sâu có màu trắng trong. Về sau sẽ chuyển sang màu trắng sữa, thân do ít hoạt động nên co ngắn lại. Phần đầu có hình bán cầu, hai má màu nâu, xuất hiện các u lông nhỏ thưa và ngắn trên cơ thể, khi đẫy sức nó dài khoảng 4mm.
Giai đoạn nhộng
Ở giai đoạn tiếp theo nhộng trần có màu nâu, mầm chân và mầm cánh rõ rệt. Nhộng có màu trắng đục sau khi hóa nhộng. Tiếp đó nhộng chuyển sang màu nâu và duy trì đến khi hóa trưởng thành.
Trên cơ thể có nhiều lông cứng, ngắn và thưa ở phần đầu, bụng, lưng và ngực, Xuất hiện hai gai lồi ở đốt cuối cùng.
Giai đoạn trưởng thành
Ở giai đoạn trưởng thành bọ nhảy có hình bầu dục. Chiều dài cơ thể khoảng 2 – 2,5mm. Cánh bọ màu đen bóng, cứng, ở phần giữa mỗi cánh có một vạch màu vàng nhạt. Phần thân cong hình củ lạc. Đặc biệt phần chân sau rất to khỏe, có sức nhảy dài. Chính vì vậy mà loài bọ này còn được gọi là bọ sọc cong.
Khám phá đặc điểm sinh học của bọ nhảy
Phân bố
Mùa khô là thời điểm bọ nhảy hoạt động nhiều nhất. Vào mùa mưa mật độ bọ sẽ giảm đi nhiều.
Sáng sớm và chiều mát là khoảng thời gian mà bọ nhảy gây hại mạnh nhất. Chúng thường lẩn trốn ở dưới gốc hoặc mặt dưới lá cây khi trưa nắng. Thêm một đặc điểm mà bạn cần lưu ý là loài bọ này có đặc tính giả chết. Khi xuất hiện tác động chúng nhảy đi rất nhanh.
Bọ nhảy gây hại trên cây cải nhiều nhất khi rau cải còn nhỏ, sau khoảng 7 – 10 ngày gieo hạt.
Bọ nhảy sọc cong sinh trưởng nhiều ở các tỉnh phía bắc vào 2 đợt: Đợt 1 từ tháng 3 – 5 và đợt 2 từ tháng 7 – 9. Đợt tháng 3 – 5 mạnh hơn đợt sau. Còn ở các tỉnh phía nam các tháng 2,3,4 là thời điểm bọ xuất hiện nhiều.
Gây hại
Bọ nhảy gây hại bằng cách cắn phá lá xanh tạo thành các lỗ nhỏ. Kích thước các lỗ khoảng vài mm. Tuy nhiên khi gây hại nặng lá cây sẽ bị đục nát như tấm lưới, xơ xác.
Sâu non sẽ ăn vào rễ phụ, đục khoét các hốc và rễ chính. Hậu quả là bộ rễ bị tổn thương khiến cây còi cọc, kém phát triển, dễ chết, đặc biệt là những cây con còn nhỏ.
Con trưởng thành thích tấn công lá non hơn. Chúng ăn lá non tạo ra những lỗ tròn nhỏ khắp mặt lá. Bên cạnh đó chúng nhảy qua lại giữa các cây khiến cho cây rau bị dập nhát, rau cải lá mỏng càng dễ bị tổn thương trước sự tấn công của bọ nhảy hơn.
Phòng tránh và diệt trừ bọ nhảy đúng cách
Biện pháp thủ công
Biện pháp đầu tiên mà bạn có thể áp dụng để phòng tránh và diệt trừ bọ nhảy là xử lý đất trồng. Bạn cần làm sạch đất trồng trước khi gieo hạt bằng cách xới sâu, dọn dẹp tàn dư vụ trước và phơi khô đất từ 10 – 15 ngày. Cách làm này giúp diệt trừ sâu non và nhộng trong đất.
Tiếp đó bạn cần trộn đều đất với vôi bột. Liều lượng cho mỗi sào rau khoảng 25 – 30kg. Đây cũng là cách để loại bỏ trứng và nhộng còn sót lại trong đất.
Bên cạnh đó bạn cũng nên trồng luân canh các loại cây với nhau như ngò, hành, bầu, bí, dưa leo, mướp…Việc trồng liên tiếp một loại rau hoặc 1 họ rau sẽ khiến cho bọ nhảy tiếp tục tấn công.
Cần lưu ý là biện pháp này phải được nhiều chủ ruộng cùng thực hiện trên một diện tích rộng mới đem lại kết quả tốt nhất bởi bọ nhảy có tính phát tán mạnh.
Bà con cần kiểm tra thường xuyên ruộng rau cải nhà mình, đặc biệt là thời điểm khi cây cải còn non để phát hiện sớm các dấu hiệu quả bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sử dụng thuốc hóa học
Sử dụng thuốc hóa cũng là một biện pháp hiệu quả để diệt trừ bọ nhảy. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng khi đây là biện pháp cuối cùng. Một số loại thuốc mà bận có thể dùng như Sherzol 205EC, Diaphos 50EC, Biocin 16WP hoặc 8000SC, Vibasu 50EC…Bạn nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc như Diaphos 10G, Sago-Super 3G hoặc Vibasu 5H, Sargent 6G để rải lên mặt đất trước khi gieo trồng. Cần chú ý bón thêm phân sau khi rải thuốc để cây cải nhanh hồi phục.
Thêm một lưu ý nữa là khi dùng thuốc BVTV bạn cần thời gian cách ly tốt nhất trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Bọ nhảy sẽ phá hoại 10 – 15 ngày trước khi thu hoạch đối với cải ngắn ngày như cải xanh, cải trắng, cải thìa. Vì vậy trước thu hoạch bạn nên sử dụng các thuốc Hopsan, Selecron, Polytrine, Forvi…để phun trừ.
Một số lưu ý trong quá trình diệt trừ
Bọ nhảy tương đối khó diệt nên việc diệt trừ tận gốc chúng khá khó khăn. Chỉ sau một thời gian ngắn phun thuốc bọ nhảy lại xuất hiện trở lại, một số lý do chính sau đây:
Đặc tính của bọ nhảy là di chuyển nhanh và nhiều nên khi thấy thuốc phun ở ruộng này chúng sẽ di chuyển sang ruộng khác rồi loại quay trở lại.
Việc phun thuốc chỉ tác động lên con trưởng thành còn sâu non và nhộng ở dưới đất không có tác dụng nhiều nên chúng sẽ sinh sôi và phá hoại. (nguồn : higlumcom)
Lời kết
Bọ nhảy là loài gây hại rất lớn cho cây trồng. Chính vì vậy bạn nên có kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, tiêu diệt hiệu quả.