Dù là vào trời hè nắng nóng hay thời tiết giá lạnh, chè vẫn luôn là món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Các món chè quen thuộc như chè chuối bột báng, chè bắp, chè đậu xanh, chè xoài, chè bà ba… đã góp phần không nhỏ làm đa dạng và phong phú nền ẩm thực Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn có một món chè nổi tiếng ở vùng Hương Sơn nhưng đối với nhiều người vẫn còn xa lạ, đó là chè củ mài. Món chè này được ăn kèm với xôi vò, vừa cung cấp năng lượng vừa giải nhiệt cho cơ thể, trở thành đặc sản được lòng rất nhiều du khách khi đến thăm chùa Hương.
Table of Contents
Công thức nấu chè củ mài truyền thống
Nguyên liệu:
- Củ mài: 1kg
- Bột bắp: 60g
- Đường: 250g
- Mè trắng
- Hoa bưởi
Cách nấu chè củ mài
Bước 1: Cách chọn củ mài
Chọn lựa nguyên liệu luôn đóng vai trò quan trọng quyết định hương vị của mọi món ăn, đối với món chè củ mài cũng như vậy. Để món chè củ mài thơm ngon, đúng vị, khi chọn củ mài bạn nên chọn những củ kích thước vừa phải, không có vết nứt. tránh chọn những củ to, bị mốc hay có mùi lạ.
Bước 2: Sơ chế củ mài
Rửa sạch bùn đất bám trên củ mài rồi cho vào nồi luộc chín. Tiếp theo, bạn vớt củ mài ra, bóc sạch vỏ, cắt bỏ những phần bị sượng, rồi cắt thành miếng mỏng.
Bước 3: Nấu nước hoa bưởi
Bạn cho 2 chén nước lọc và hoa bưởi vào nồi. Sau đó đặt một cái chén vào giữa nồi rồi úp ngược vung nồi lại và đun sôi.
Khi nước đã sôi, bạn cho đá lên trên vung. Nước hoa bưởi bay lên gặp lạnh sẽ ngưng tụ thành hơi nước rồi rơi vào chén theo độ võng của vung nồi. Tiếp tục nấu đến khi nước gần cạn thì tắt bếp.
Dùng nước hoa bưởi thay thế cho vani thêm vào chè sẽ giúp món chè của bạn mang hương vị thơm mát của bưởi, rất hấp dẫn.
Bước 4: Nấu chè củ mài
Cho nước lọc và đường vào nồi nấu sôi lên. Bạn có thể điều chỉnh lượng đường thêm vào để món chè có vị ngọt đậm hay ngọt thanh tùy khẩu vị. Khi nước đường sôi lên, bạn cho củ mài vào nấu khoảng 7 – 10 phút để củ mài ngấm vị ngọt.
Bước 5: Hoàn thành
Cho bột bắp cùng một ít nước vào chén để hòa tan. Sau 10 phút, bạn thêm bột bắp vào nồi khuấy đều tay để tạo độ sánh cho món chè. Tiếp đó cho nước hoa bưởi vào rồi tắt bếp. Bạn có thể rắc mè trắng rang vàng lên trên khi thưởng thức để tăng thêm hương vị cho món chè.
Có một cách nấu chè củ mài nhanh và vô cùng đơn giản khác mà bạn có thể thử: Gọt vỏ củ mài, đem rửa sạch rồi thái hoặc cắt nhỏ, sau đó cho vào nồi đun nhừ.
Dùng muỗng đánh nhừ củ mài thành bột rồi cho mật ong hoặc đường kính trắng vào đánh đều. Sau đó bắc nồi xuống, múc ra bát, để nguội rồi ăn kèm với xôi hoa cau hoặc xôi vò.
Công thức nấu chè củ mài long nhãn
Nguyên liệu nấu chè:
- Củ mài: 300g
- Nước: 1,2l
- Đường: 60gr
- Táo tàu: 8 – 10 quả
- Long nhãn: 25gr
- Kỷ tử: 20gr
Các bước tiến hành:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Củ mài: Gọt vỏ rồi rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
Táo tàu, long nhãn và kỷ tử : đem ngâm nước.
Bước 2: Nấu chè
Cho long nhãn và táo tàu vào nồi nước sôi rồi đun sôi ở lửa vừa 10 phút.
Sau đó cho củ mài vào nấu thêm 10 phút.
Cuối cùng cho đường và câu kỷ tử vào đun cùng đến khi đường tan thì tắt bếp.
Cho chè ra bát rồi thưởng thức thôi nào.
Công thức nấu chè củ mài nếp than
Nguyên liệu:
- Củ mài: 150g
- Nếp than: 60g
- Đường trắng: 120g
Cách làm chè củ mài nếp than
Bước 1: Sơ chế
Cho gạo nếp than vào ngâm nước khoảng 1,5 – 2 tiếng đồng hồ. Sau đó cho cả gạo nếp than cùng nước ngâm vào nồi cơm điện, thêm nước sao cho đủ ngập 2.5 lóng tay rồi nấu trong khoảng 15 phút.
Củ mài gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt nhỏ cho vào nồi chè.
Bước 2: Nấu chè
Thêm 120g đường vào nồi chè nấu đến khi củ mài đã chín bùi là được.
Chè củ mài nếp than là món ăn mới lạ lại vô cùng bổ dưỡng. Món chè có màu sậm đỏ đen đặc trưng, lạ mắt cùng vị ngọt dịu của củ mài chín bùi và nếp than nở bung sẽ thu hút bạn ngay từ muỗng đầu tiên đấy!
Thông tin về củ mài
Củ mài là gì?
Củ mài là loại củ thường mọc ở khu vực Hương Sơn, có cùng họ với khoai mỡ nhưng hình dạng xù xì hơn. Rất khó để đào được củ mài vì rễ (củ) của nó thường cắm rất sâu vào lòng đất, đá. Thịt củ thường có màu trắng được sử dụng nhiều để chế biến các món ăn ngon.
Hiện nay, củ mài cũng có thể trồng ở nơi khác được, nhưng hương vị không ngon bằng củ mài trên núi. Vì vậy, củ mài hiếm khi được bán ở chợ và trở thành loại củ quý, đặc sản của vùng núi Hương Sơn. Đến với lễ hội chùa Hương, du khách vừa có thể thưởng thức củ mài luộc ngay tại đây, vừa có thể mua củ mài sống làm quà tặng người thân.
Để thu hái củ mài, người ta phải lên núi để đào, là một công việc rất vất vả. Củ mài không chỉ được dùng để luộc ăn mà còn có thể mài ra để nấu canh với tôm hoặc dùng làm bánh hay nấu chè.
Phân loại
Củ mài Chùa Hương có hai loại: củ mài nếp và củ mài tẻ. Củ mài nếp có màu xanh lơ hoặc màu trắng, bột mịn thơm, bở và dẻo. Củ mài tẻ tương đối rắn, màu trắng nhạt và không có mùi thơm. (nguồn : higlumcom)
Củ mài Hương Sơn luộc hay nấu chè đều rất ngon. Củ mài nấu cùng mật ong đã trở thành đặc sản địa phương, thường được dùng để cúng Phật.
Một số tác dụng của củ mài
Củ mài theo y học cổ truyền là loại củ có tính bình, vị ngọt, không độc, được dùng nhiều trong các bài thuốc Đông y để chữa bệnh. Trong rễ của củ mài còn chứa nhiều Acid amin, Protid, Lipid, Dioscin, chất nhầy… nên có tác dụng rất tốt trong hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh sau:
– Bổ ngũ tạng, giúp tăng cường sức khỏe cho người ốm hay người bị suy nhược cơ thể.
– Suy thận, chóng mặt, hoa mắt…
– Các bệnh đường ruột, tiêu chảy…
– Trị viêm tử cung.
– Bệnh đái tháo đường.
– Chứng bệnh ra mồ hôi trộm ở cả trẻ em người lớn.
Lời kết
Món chè củ mài dân dã với những nguyên liệu đơn sơ và cách làm đơn giản, không tốn nhiều thời gian nhưng lại có hương vị rất riêng, hấp dẫn người dùng. Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn sẽ thực hiện thành công món chè củ mài ngon tuyệt này.
Ngoài ra, chúng ta vẫn còn vô số món chè ngon khác ở những bài viết tiếp theo. Nếu bạn là một tín đồ của chè thì đừng nên bỏ lỡ nhé, vì trong đó sẽ có rất nhiều điều thú vị đấy.