Chè cốm là món ăn khoái khẩu được nhiều người yêu thích và chọn lựa để giải nhiệt trong những nóng bức. Hương thơm lừng, tươi mát phảng phất hòa cùng vị ngọt thanh dịu nhẹ, bùi bùi của chè cốm chắc chắn sẽ khiến bạn khó quên ngay sau lần đầu thưởng thức.
Vì vậy bạn đừng chần chờ nữa mà hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay hai cách nấu chè cốm vô cùng đơn giản mà lại ngon tuyệt là chè cốm hạt sen và chè cốm đậu xanh nhé!
Table of Contents
Công thức làm chè cốm đậu xanh
Không chỉ là sự thơm ngon của lúa non, chè cốm dường như chứa đựng cả không khí bầu trời ngày thu Hà Nội, tạo nên một hương vị đặc biệt khó quên.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cốm khô: 300g
- Đường: 250g
- Nước cốt dừa: 250 ml
- Đỗ xanh: 60 gram
- Bột sắn: 2 thìa cà phê
- Lá dứa tươi: 3 lá
- Vali: 1 ống
Cách nấu chè cốm xanh ngon
Bước 1: Chuẩn bị cốm
Đối với cốm đóng gói sẵn thì bạn không cần phải sàng sẩy để loại bỏ bụi bẩn hay vỏ trấu mà chi cần ngâm cốm qua với nước để làm mềm cốm.
Bạn cho cốm khô ra một chiếc rá nhỏ rồi xả ướt dưới nước lạnh. Sau đó cho phần cốm trên vào trong tô nước lạnh ngâm khoảng 3 – 5 phút cho cốm mềm. Chú ý không ngâm cốm quá lâu nếu không cốm sẽ bị nhão, nát hoặc vữa khi nấu chè.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác
+ Vo và đãi sạch vỏ đỗ xanh. Sau đó ngâm đỗ khoảng 2 tiếng trước khi nấu để hạt đỗ no nước, chè sẽ bở và ngon hơn.
+ Cho bột sắn dây vào bát, thêm khoảng ½ chén nước rồi hoà tan sao cho bột không bị vón cục.
+ Rửa sạch lá dứa, cắt khúc rồi đem xay nhuyễn với 1 bát con nước. Sau đó bạn vắt lấy nước cốt và bỏ phần bã.
Bước 3: Nấu chè cốm
Cho đậu xanh cùng nước cốt lá dứa và 1 lít nước lọc vào đun ở lửa nhỏ cho đậu nhừ. Khi đậu nhừ mềm, bạn thêm đường vào nồi đậu cho vừa khẩu vị, tránh thêm quá nhiều để nồi đậu không bị ngọt quá. Sau đó bạn thêm phần cốm đã ngâm vào nấu cùng.
Khi nồi chè cốm sôi trở lại thì bạn đợi thêm khoảng 3 phút rồi nêm lại đường. Tiếp đó cho phần nước bột sắn dây đã hoà tan vào đun cùng. Khuấy nhẹ nhàng, đều tay và liên tục đến khi nồi chè sánh lại thì tắt bếp.
Bạn có thể thêm một ít hương vani vào khuấy đều để tăng thêm hương vị và sự ngon miệng cho món chè. Nếu bạn thích món chè có vị béo ngậy có thể thêm 2 – 3 muỗng nước cốt dừa lên trên khi ăn. Vậy là món chè cốm đậu xanh vừa bổ dưỡng vừa mát đã được hoàn thành rồi đấy.
Công thức làm chè cốm hạt sen
Ngoài chè cốm đậu xanh, chè cốm hạt sen cũng là món ăn được nhiều người ưa thích. Hạt sen chứa nhiều chất chống oxy hóa, chống lão hóa và giúp kháng viêm nên khi kết hợp cùng cốm sẽ tạo nên món chè vừa thơm ngon lại vô cùng bổ dưỡng.
Nguyên liệu chè cốm hạt sen
- Hạt sen: 400g
- Cốm khô: 250g
- Bột sắn dây: 3 muỗng
- Đường cát trắng: 300g
Cách làm chè cốm hạt sen
Bước 1: Nấu hạt sen
Đối với hạt sen khô, bạn rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 30 phút cho hạt sen mềm. Còn nếu sử dụng hạt sen tươi, bạn loại bỏ tâm sen rồi rửa sạch. Tiếp đến, bạn đun nước sôi rồi cho hạt sen vào đun nhỏ lửa đến khi hạt sen nở ra thì cho đường vào để hạt sen được ngấm đều đường.
Bước 2: Sơ chế cốm
Đãi cốm khô cho sạch tạp chất, bụi bẩn rồi ngâm trong nước khoảng 3 phút cho mềm.
Bước 3: Pha bột sắn dây
Cho bột sắn dây ra chén, thêm nước vào để hòa tan bột. Sau đó bạn cho từ từ bột sắn dây vào nồi và khuấy đều tay. Đến khi thấy chè đã sánh lại thì bạn nêm nếm thêm đường cho vừa miệng.
Bước 4: Hoàn thiện
Cho cốm và hạt sen vào nồi nước sắn dây rồi đảo đều lên. Bạn nên để lại ít cốm để rắc lên mặt chè cho món ăn thêm hấp dẫn.
Cuối cùng, bạn múc chè ra chén và dùng khi còn nóng hoặc để lạnh đều được.
Cốm – món ăn mùa thu mang đặc trưng Hà Nội
Cốm là món ăn dân dã vô cùng quen thuộc đối với người Hà Thành. Có thể dùng cốm để chế biến nhiều món ngon như xôi cốm, chả cốm, bánh cốm, cốm xào, kem cốm, chè cốm…
Và dù là trong món ăn nào đi nữa, cốm vẫn mang một hương vị đặc biệt khiến bất cứ người con xa quê nào cũng phải nhớ nhung da diết. Đó là hương vị dịu ngọt của lúa non, là dư vị mùa thu Hà Nội nhẹ nhàng mà bình yên trong tâm hồn.
Cũng có thể là vì những lý do đặc biệt ấy mà cốm đại diện cho nhiều nét đẹp riêng chỉ người Hà Nội mới có được. Mùa thu Hà Nội đến cũng là lúc mùa hỏi cưới bắt đầu, người con trai nào cũng muốn lùng được thứ hương mùa tiêu biểu kia mang đi dạm vợ, mong muốn làm vừa lòng gia tộc ý trung nhân.
Cốm được ủ bằng lá sen, đặt trong đôi mủng được đan bằng nan rất chuốt. Khi có người hỏi mua, cô hàng sẽ gói cốm vào những chiếc lá sen xanh rồi buộc sợi rơm tươi…
Người ta ăn cốm vốn chẳng để cầu no mà cốt là để thưởng thức hương vị. Vì vậy, cốm được gói trong những chiếc lá sen, khi ăn dùng năm đầu ngón tay chụm lại, vun dúm một dúm đưa lên miệng, rồi vừa nhai vừa nghiền ngẫm cái hương vị thơm, ngọt, dẻo của mùa thu Hà Nội tan ra trong miệng. (nguồn : higlumcom)
Đấy mới là cách ăn cốm đúng chuẩn, ngon hơn khi ăn cốm đựng trong bát đĩa và dùng thìa xúc rất nhiều.
Lời kết
Món chè cốm nghe tưởng chừng rất khó làm nhưng thực ra không phải vậy đúng không. Chỉ với các bước đơn giản trên là bạn có thể hoàn thành ngay món chè cốm thơm ngọt, bổ dưỡng tại nhà rồi đấy!
Hy vọng với các công thức chúng tôi đã chia sẻ trên đây thì các bạn có thể nấu món chè này thành công!