Bún thang là món ăn truyền thống của người Hà Nội. Người Hà Nội vốn cầu kỳ và tinh tế trong cách ăn, cách uống. Từng món ăn được chế biến cẩn thận với hương sắc đủ đầy, đẹp về hình nhưng vẫn phải đảm bảo hương vị thơm ngon, sạch sẽ. Bạn có thể nhìn thấy đặc điểm này qua cách làm món bún thang. Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng của thủ đô.
Tên gọi bún thang bắt nguồn từ cách làm món ăn này kết hợp nhiều nguyên liệu lại với nhau. Đếm sơ sơ cũng phải hơn chục loại. Giống như một thang thuốc bổ vậy đó.
Cách nấu bún thang có rất nhiều. Mỗi người lại tự đúc kết cho mình một công thức nấu riêng, hợp với khẩu vị gia đình mình nhất. Nếu bạn muốn học cách nấu bún thang chuẩn vị Hà Nội thì theo dõi công thức dưới đây nhé!
Table of Contents
1. Cách nấu bún thang chuẩn vị Hà thành
Nguyên liệu bao gồm
- ½ con gà (Bạn chọn gà ta sẽ ngon hơn, nếu không mua được gà ta có thể dùng gà công nghiệp)
- 3 quả trứng vịt hoặc trứng gà
- 200gr giò lụa
- 100gr tôm khô
- 300gr tôm tươi
- 2 cái râu mực khô
- 1kg xương ống heo hoặc xương đuôi, xương sườn
- 2 củ hành khô
- 1 củ gừng nướng
- Hành lá, ngò ta
- Rau sống: Xà lách, húng quế, diếp cá…
- 100gr nấm hương
- 100gr củ cải khô
- Gia vị nấu ăn: Mắm tôm, nước mắm, muối, mì chính, hạt nêm, đường phèn, dấm…
Chi tiết các bước nấu bún thang ngọt đậm đà
Bước 1: Thực hiện sơ chế
Xương ống mua về bạn rửa 2 – 3 lần nước. Sau đó bắc một nồi nước sôi để cho xương ống vào trần và vớt ra rửa dưới vòi nước lạnh thêm lần nữa cho xương ống được sạch mùi và chất bẩn.
Tiếp theo bạn cho xương ống vào nồi nước khác, thêm gừng nướng và chút muối rồi đậy nắp hầm xương. Khi nước sôi bạn hạ nhỏ lửa. Ngoài ra nên thường xuyên hớt bọt để nước dùng được trong.
Trong thời gian hầm xương bạn tiến hành xử lý các nguyên liệu khác:
Tôm khô ngâm nở, rửa sạch rồi cho lên chảo rang vàng thơm.
Râu mực nướng trên bếp cho chín, nhớ cạo bớt lớp cháy bên ngoài nhé!
Tôm bạn bóc vỏ, bỏ đầu và rút chỉ sống lưng, rửa sạch.
Gà đã thịt bạn rửa sạch cả trong lẫn ngoài.
Giò lụa cắt miếng mỏng rồi thái chỉ.
Đập 3 quả trứng gà ra bát, thêm chút nước mắm rồi đánh đều cho trứng tan.
Hành lá và ngò nhặt bỏ gốc, rửa sạch rồi thái nhỏ.
Củ cải khô ngâm nước cho mầm rồi vắt vài lần nước cho sạch ráo.
Các loại rau sống bạn nhặt sạch, rửa rồi ngâm nước muối mới vớt ra để ráo.
Bước 2: Nấu nước dùng
Gà đã rửa sạch bạn cho vào một chiếc nồi, thêm hành khô đập dập và chút muối, hạt nêm và luộc. Khi nước sôi bạn hạ nhỏ lửa và hớt bớt bọt. Kiểm tra gà đã chín bạn vớt thả vào thau nước đá lạnh khoảng 1 phút rồi vớt ra sẽ giúp da gà giòn và bóng đẹp. Thịt gà đã nguội bớt bạn lóc lấy phần thịt gà rồi xé sợi nhỏ.
Nước dùng nấu nước khoảng 1 tiếng bạn tiến hành nêm gia vị muối, đường phèn, nước mắm, hạt nêm cho vừa ăn. Tiếp đó bạn cho tôm khô, râu mực, nấm hương vào nồi nước dùng. Tiếp tục hầm trong 2 tiếng. Nước luộc gà và xương gà bạn có thể đổ vào nồi nước hầm xương cho ngọt nhé!
Bước 3: Hoàn thành
Bắc một chiếc chảo lên bếp, chảo nóng thêm chút mỡ hoặc dầu ăn rồi cho trứng vào tráng. Bạn tráng một lớp mỏng, sau đó gắp ra đĩa, gấp đôi hoặc gấp ba miếng trứng lại rồi thái chỉ.
Tôm bạn cho vào nồi nước dùng, luộc chín rồi vớt ra đĩa. Ngoài ra bạn có thể giã nhỏ rồi rồi cho vào chảo, đảo cùng chút dầu ăn, nước mắm cho đến khi tôm dậy mùi thơm là được.
Nước dùng nấu khoảng 2 tiếng bạn tắt bếp.
Trụng sơ bún qua nước sôi rồi mới cho vào bát. Bạn xếp tôm, trứng, giò lụa, thịt gà theo hình tỏa tròn phủ kín mặt bún rồi chan nước dùng lên trên.
Khi ăn bạn cho thêm chút mắm tôm, giấm hoặc chanh, sa tế ăn sẽ rất ngon nhé! Món ăn nên ăn cùng rau sống và ăn khi còn nóng.
Một số lưu ý trong quá trình chế biến
– Mắm tôm sẽ giúp dậy vị mắm tôm. Đây là cách ăn của người Hà Nội. Nếu bạn không ăn được mắm tôm có thể không cho vào cũng được.
– Nước dùng không nên ninh trong nồi áp suất sẽ không được trong. Bạn nên sử dụng nồi thường để ninh, ninh ít nhất 1 tiếng đồng hồ để nước dùng có vị ngọt.
2. Hướng dẫn nấu bún thang chay – cho hương vị ngày mới
Bên cạnh món bún thang mặn bạn có thể nấu bún thang chay. Món bún này phù hợp với người ăn chay hoặc gia đình muốn đổi món hằng ngày.
Nguyên liệu
Chuẩn bị cho nước dùng
- Tỏi tây (hành baro): 1 cây
- Cà rốt: 2 của
- Táo ngọt: 1 quả
- Bắp cải: ½ cái
- Tảo bẹ: ½ miếng
Chuẩn bị nguyên liệu ăn kèm bún
- Nấm đông cô tươi: 200gr
- Nấm kim châm: 80gr
- Nấm đùi gà: 100gr
- Chả lụa chay: 200gr
- Rong biển: 1 hộp
- Hành lá, ngò ta
- Gia vị: Muối, hạt nêm chay, nước tương…
Chi tiết các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế
Bắp cải bạn cắt đôi, rửa sạch,
Táo rửa sạch, ngâm qua nước muối.
Tỏi tây cắt gốc, rửa sạch rồi cắt khúc chừng ngón tay út.
Tảo bẻ cắt miếng.
Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt khúc.
Bắc một nồi nước, cho tất cả các nguyên liệu trên vào. Bạn nên thêm chút muối cho đậm đà rồi đậy nắp ninh với lửa nhỏ trong 1 tiếng đến khi rau củ ra hết chất ngọt.
Sau 1 tiếng, bạn vớt các loại rau củ ra. Có thể lọc một lần để gạn hết cặn, nước dùng được trong.
Bạn lưu ý là khi hầm nên nếm chút muối, đường vì vị của rau củ sẽ hơi nhạt, phải nêm để vừa lại vị.
Bước 2: Thực hiện chế biến
Bạn bắc nồi nước dùng lên lai bếp, để lửa nhỏ. Cà rốt đã cắt khúc bạn thả vào nồi nước dùng hầm lấy vị ngọt. Ngoài cà rốt bạn có thể dụng thêm củ cải cũng giúp ngọt nước nhé! Lúc này nên nêm chút bột nêm chay, đường phèn và muối vào cho vị được thanh, không bị nhạt.
Các loại nấm bạn cắt bỏ chân sau đó ngâm qua nước muối, rửa nhiều lần với nước lạnh cho thật sạch rồi mới sơ chế. Với nấm đùi gà bạn cắt dọc thành cách miếng vừa ăn. Nấm kim châm tách thành các miếng vừa ăn. Nấm đông cô tỉa mũ cho đẹp là được.
Tiếp đó bạn cho các loại nấm đã sơ chế sạch vào nồi nước dùng. Bật lửa to lên chút đến khi nấm sôi thì hạ nhỏ lửa. Nấu thêm 10 phút cho nấm chín, nêm lại gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Rong biển bạn cắt theo chiều dọc thành các miếng nhỏ dài.
Chả lụa chay bạn thái chỉ hoặc cắt miếng tùy ý,
Bước 3: Hoàn thành
Bên cạnh bún tươi bạn có thể sử dụng bún khô hoặc sợi hủ tiếu. Bún khô phải ngâm nước trong sau đó mới cho vào một cái vá, thả vào nồi nước dùng chần nở mềm thì vớt ra cho vào bát. Với bún tươi bạn cũng nên chần qua nước sôi để sợi bún được tươi và thấm vị hơn.
Bạn xếp đồ ăn vào bát, chan nước dùng lên trên. Rắc thêm chút hành ngò nữa là món ăn đã hoàn thành.
Món bún thang chay có hương vị tươi ngọt của nước dùng, ăn cùng các loại nấm và rau sống cực cuốn. Nếu cảm thấy nhạt bạn có thể thêm nước tương vào tô bún rồi trộn đều nhé!
3. Lời kết
Cách nấu bún thang không hề khó đúng không nào! Mất thời gian nhất chỉ là khâu nấu nước dùng thôi. Bạn chuẩn bị nguyên liệu tươi, nêm nếm chuẩn xác là món ăn sẽ tự khắc ngon thôi.
Hy vọng với 2 công thức chế biến bún thang trên bạn sẽ thành công chế biến món ăn này nhé!